Bạn có thể nhớ danh sách từ vựng rất dài, biết hết những ngữ pháp cần sử dụng nhưng vẫn bối rối khi tìm cách diễn đạt ý muốn nói. Chúng tôi chia sẻ vài bí quyết giúp bạn thoát khỏi tình trạng này.
Giảm tốc độ nói, tập viết nhiều, học thuộc nguyên câu chứ không phải từ riêng lẻ là những cách đơn giản giúp bạn cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
1. Giảm tốc độ nói
Nếu bạn là diễn giả tuyệt vời bằng tiếng mẹ đẻ, việc kỳ vọng tiêu chuẩn tương tự khi sử dụng tiếng Anh vẫn có thể thiếu thực tế, nhất là ở giai đoạn đầu của quá trình học. Lời khuyên dành cho mọi người khi học ngoại ngữ là đừng bao giờ ngại mắc lỗi sai hay tự gây áp lực về một cuộc hội thoại hoàn hảo.
Để khắc phục khó khăn, bạn hãy thử giảm tốc độ nói. Câu chữ và thông điệp của bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn.
2. Cho bản thân thời gian suy nghĩ
Có thể bạn lo rằng người đang nói chuyện cùng không đủ kiên nhẫn nên cố gắng nói càng nhanh càng tốt. Điều này không chính xác bởi mọi người thường muốn một câu trả lời được suy nghĩ kỹ càng, đó cũng là dấu hiệu của sự tôn trọng người nghe.
Bạn nên trang bị những cụm từ cố định để sử dụng khi cần thêm thời gian suy nghĩ.
Ví dụ:
- Why is there so much violence on TV? (Tại sao có quá nhiều bạo lực trên TV?)
That’s a good question. (Đó là một câu hỏi hay)
Let me think for a moment, I haven’t really thought about it before. Well, I suppose…
(Để tôi nghĩ chút nào, trước đây tôi chưa thực sự suy nghĩ về việc này. Vâng, tôi cho rằng...).
Trường hợp này, người nói "câu giờ" khá tốt chỉ bằng cách lặp lại câu hỏi và thêm một vài câu. Nếu áp dụng phương pháp này, bạn sẽ cảm thấy mình nói trôi chảy hơn và không bị áp lực phải nói thật nhanh trước khi thực sự sẵn sàng.
Cụm từ cố định (fixed/set phrases) được sắp xếp theo trật tự nhất định, có thể là động từ, thành ngữ...
Một số cụm từ quen thuộc:
- During the day: Trong ngày
- In the meantime: Trong lúc đó, trong khi chờ đợi
- It’s been a long time since...: Đã một thời gian dài kể từ khi...
- Sorry to bother/trouble you, but…: Xin lỗi vì làm phiền anh, nhưng...
- Would you mind if…?: Anh có phiền không nếu...? (Xin phép làm gì đó một cách lịch sự)
- I’m just kidding!: Tôi chỉ đùa thôi!
3. Học cả câu, không chỉ học từ
Nhiều người thuộc lòng rất nhiều từ nhưng không biết phải sử dụng trong câu như thế nào, điều này trở nên vô nghĩa. Khi học từ mới, hãy cố gắng ghi nhớ vài câu có chứa từ đó.
Nếu học thuộc cả câu, bạn không cần lo lắng câu đó có sai ngữ pháp hay không. Ví dụ, bạn học được định nghĩa về "appreciate" là "recognize the value of something/somebody". Hãy học thuộc hai câu sau để vận dụng trong tình huống thực tế:
- I think it’s necessary to feel appreciated in a relationship/ at work.
- I appreciate all your hard work.
4. Học cách lắng nghe
Khi nói chuyện với người nước ngoài, nhiều người thường quá chú tâm vào việc phải nói gì, đúng hay sai mà quên lắng nghe những gì người khác nói. Đây là một lỗi lớn bởi việc lắng nghe giúp bạn thu thập được những từ hoặc cấu trúc hay sẽ cần dùng đến sau này.
5. Luyện đặt câu hỏi
Bạn cần lưu ý rằng giao tiếp là quá trình hai chiều. Việc bạn không đặt bất kỳ câu hỏi nào trong cuộc trò chuyện dài có thể khiến người khác cảm thấy bạn không quan tâm, thậm chí thô lỗ. Nếu đã hết ý tưởng để trình bày, bạn hoàn toàn có thể khơi gợi cho người khác nói thêm bằng những câu hỏi.
Ví dụ:
- What are your views on that? (Quan điểm của anh về việc đó là gì?)
- How about you? What do you think? (Còn anh thì sao? Anh nghĩ gì?)
- Why do you think there’s so much violence on TV? (Tại sao anh nghĩ có quá nhiều bạo lực trên TV?)
6. Luyện viết thường xuyên
Không thể phủ nhận thực hành là cách tốt nhất để cải thiện giao tiếp, nhưng viết giúp bạn làm quen và suy ngẫm về cách sử dụng tiếng Anh, nhờ đó câu chữ sẽ tự bật ra khi bạn nói.
Nguồn: Vnexpress