'Học ngoại ngữ sớm không khiến trẻ quên tiếng mẹ đẻ'
top of page

'Học ngoại ngữ sớm không khiến trẻ quên tiếng mẹ đẻ'

Admin

10 thg 3, 2023

Việc học ngoại ngữ sớm mang lại nhiều lợi ích về tư duy, thay vì khiến trẻ quên ngôn ngữ, văn hóa Việt, chuyên gia tư vấn giáo dục Bùi Khánh Nguyên khẳng định.

Chia sẻ trong chương trình "Để con không quên ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong môi trường quốc tế" của Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP), nam diễn giả cho biết, nhiều nghiên cứu chỉ ra những người song ngữ có sự kích hoạt gia tăng ở vùng não liên quan đến các kỹ năng nhận thức như sự chú ý, ức chế...

Ví dụ, người song ngữ được chứng minh có khả năng ghi nhận tần số âm thanh trong môi trường có tiếng ồn tốt hơn người đơn ngữ. Vì vậy, trong một nhà hàng ồn ào, một người song ngữ sẽ dễ dàng hiểu được những gì người kia đang nói hơn một người biết đơn ngữ.

Việc cải thiện quá trình tư duy và hoạt động giác quan từ trải nghiệm song ngữ có thể giúp người song ngữ xử lý thông tin tốt hơn, giúp họ sẵn sàng hơn cho việc học. Khả năng này cho phép người song ngữ tiếp nhận từ vựng dễ dàng hơn, do vậy mở rộng vốn từ nhanh hơn người đơn ngữ trong việc xử lý nhiều thông tin đến cùng lúc.

"Hơn hết, những lợi ích liên quan đến khả năng song ngữ thường bắt đầu sớm. Một số nghiên cứu chỉ ra nhiều ảnh hưởng tích cực của song ngữ đối với năng lực chú ý và quản lý xung đột ở trẻ sơ sinh, thậm chí từ bảy tháng tuổi", ông nói thêm.



Tuy nhiên, trái với những lợi ích trên, trong quá trình làm việc, ông nhận thấy nhiều phụ huynh lo con sẽ quên ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ khi học tập trong môi trường quốc tế. "Việc học và giáo dục song ngữ không nhất thiết phải đi cùng với sự mất mát về tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ nhất", ông phản hồi.

Trong môi trường học quốc tế, tiếng Anh được sử dụng làm công cụ sinh hoạt, giao tiếp, học tập và làm việc giữa các thành viên đa quốc tịch, gồm: học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là trẻ sẽ quên mất tiếng mẹ và văn hóa truyền thống.

Theo ông, trong giáo dục, việc học thêm ngôn ngữ hoặc nền văn hóa thứ hai mang tính chất bổ sung, thay vì triệt tiêu, phủ nhận những chất liệu đã học trước đó. "Các trường càng có độ đa dạng cao về quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa... càng giúp học sinh sớm hình thành khả năng giao tiếp liên văn hóa, một đặc trưng của công dân toàn cầu", nam diễn giả nhấn mạnh.

Hơn hết, nếu tiếp cận ngôn ngữ thứ hai đúng cách, học sinh có thể tăng khả năng nhận thức và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, phát huy các thế mạnh thường có ở người biết song ngữ.

Trong đó, phương pháp "Tắm trong ngôn ngữ" (Language Immersion) được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Cách đào tạo này khởi đầu với mô hình French immersion tại Quebec, Canada từ những năm 1970, hướng tới tạo môi trường cho trẻ nhỏ sống trong không gian tương tác trực tiếp với ngoại ngữ cần học từ lứa tuổi rất nhỏ, phù hợp với trẻ mầm non và tiểu học.

Phương pháp Language Immersion áp dụng từ bậc mầm non, tiểu học và trung học lần lượt được gọi là mô hình sớm, trung bình và trễ hay toàn phần khi dành hầu hết thời gian học tập trong môi trường tiếng nước ngoài (trên 90%). Ngoài ra, các trường có thể ứng dụng mô hình song ngữ (50% tiếng mẹ đẻ - 50% ngoại ngữ) hoặc dạy ngoại ngữ thông thường với thời lượng tiếp xúc ngoại ngữ dưới 20%.

Ông Nguyên chia sẻ thêm, tại Việt Nam, các trường quốc tế đang ứng dụng khá tốt các mô hình theo phương pháp này. Học sinh tiếp xúc ngoại ngữ sớm, tương tác cao hơn, từ đó, tăng khả năng đạt mục tiêu thành thạo ngôn ngữ.

Đồng quan điểm với ông Nguyên, cô Nguyễn Thị Thùy Trang - Trưởng bộ môn Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại ISSP, cho biết tại nhiều trường quốc tế, song song chương trình Anh ngữ, học sinh mang quốc tịch Việt Nam từ mầm non đến lớp 5 đều bắt buộc học môn Tiếng Việt theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Môn học này giúp học sinh bồi đắp tình yêu đối với tiếng Việt, văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa.


Nguồn: Vnexpress (Nhật Lệ)

bottom of page