top of page

Bạn đọc đề nghị nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp

Camellia Luu

16 thg 10, 2022

Sau bài "Phụ huynh khó khăn đừng theo cái lớp này", nhà phụ huynh đăng clip bị tạt sơn, rất nhiều bạn đọc tiếp tục phản ảnh về cách thức hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

"Bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh đi. Rắc rối bao nhiêu năm rồi. Có gì giáo viên chủ nhiệm và nhà trường làm việc trực tiếp với phụ huynh", bạn đọc Tân Nguyễn đề xuất.

Không đồng tình 

Đa số bạn đọc đều bức xúc, không đồng tình với cách làm việc của vị phó Ban đại diện cha mẹ học sinh (ban đại diện) trong buổi họp phụ huynh tại lớp 3/10, Trường tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM được đề cập trong bài trên. 

Bởi rất nhiều bạn đọc cho rằng ban đại diện của lớp được lập ra nhằm giúp các em học sinh học hành tốt hơn chứ không thể "đuổi", không cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tại lớp. 

Như bạn đọc Minh Hiếu bày tỏ: "Đáng lẽ trong lớp có học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ các em trong học tập. Có như vậy mới có tình người, chứ thấy nghèo rồi đuổi thẳng các em là vô đạo đức". 

Cùng nhìn về góc độ đạo đức như ý kiến trên, bạn đọc A. kể lại câu chuyện của chính mình: Hồi nhỏ tôi đi học, có lần hỏi cô giáo: Vì sao phải mặc đồng phục đi học? Cô trả lời một trong những mục đích của việc mặc đồng phục là để khỏi phân biệt giàu nghèo. Không biết bây giờ còn có ai biết, ai nhớ không? 

Bạn đọc A. cũng như rất nhiều bậc phụ huynh đề xuất: Nếu không chấn chỉnh được cảnh hoạt động "bát nháo" của ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp như hiện nay thì trước mắt ngành giáo dục, các trường nên bỏ bớt ban đại diện của lớp. Thay vào đó chỉ nên có ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. 

"Tôi mong các trường dẹp bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, để các cháu được học trong môi trường lành mạnh, thầy cô được quý trọng như xưa", bạn đọc A. góp ý thêm. 

Ngày xưa không có ban đại diện lớp 

Bạn đọc Khôi Minh kể lại rằng những năm 1990, từ khi học lớp mẫu giáo đến lớp 12, tất cả các lớp trong trường bạn học không có "cái gọi là" ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Cả trường chỉ có một ban đại diện cha mẹ học sinh trường. 

Ngay từ những năm học cấp I, mọi hoạt động "chi tiêu" của lớp là do một bạn học sinh làm thủ quỹ hay lớp phó học tập phụ trách thông qua sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. 

"Khi đóng quỹ lớp để duy trì mọi hoạt động cần thiết, các học sinh trong lớp đều công khai bàn bạc và thống nhất. Và việc hướng dẫn "chi tiêu" cũng chỉ được giáo viên chủ nhiệm thực hiện những năm học tiểu học. Còn từ cấp trung học cơ sở trở lên, giáo viên chủ nhiệm buông, để các học sinh chúng tôi tự chủ hoạt động. 

Đó cũng là cách giáo dục học sinh chúng tôi tính tự chủ, tự lập, tự tổ chức mọi hoạt động của lớp. Từ đó chúng tôi lớn lên rất nhiều trong việc "tự quyết" những vấn đề của bản thân mình. 

Không có ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp chẳng hề ảnh hưởng gì đến việc dạy và học của chúng tôi cả. Những lớp học sinh cùng thời với tôi lớn lên từ sự thương yêu, đùm bọc của cha mẹ, thầy cô. Rất nhiều bạn đã thành công, giúp ích cho xã hội". 

Bạn đọc Khôi Minh bộc bạch như trên và cho biết thêm, giờ bạn là phụ huynh (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) và mỗi lần đi họp đầu năm, cuối năm cho con, bạn cảm thấy rất buồn trước sự "bát nháo" của ban đại diện. 

Đồng quan điểm, bạn đọc Giảng Thanh cho rằng chúng ta đang tự trói buộc mình khi lập ra ban đại diện để kêu gọi đồng thuận cho những việc không cần thiết. 

"Phân tích kỹ, chúng ta thấy rằng nếu không có ban đại diện thì học sinh vẫn học bình thường, giáo viên vẫn dạy bình thường. Giáo viên và học sinh không cần có quyền lợi gì từ ban này. Nên bỏ hẳn kiểu hội, ban này", bạn đọc Giảng Thanh nêu đề xuất.

Ban đại diện ở quê chỉ bầu cho có!

Một giáo viên tại vùng quê Cần Thơ cho biết từ ngày có thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới xuất hiện ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Trước đây chỉ có ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường thôi.

Tuy nhiên, ban đại diện của lớp được bầu mỗi đầu năm học (gồm trưởng, phó và thư ký) cũng không hoạt động gì, chỉ bầu cho có danh sách để đưa về trường căn cứ bầu ban đại diện của trường.

Nguồn: TTO


bottom of page